Sau khi vượt ngục Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được phân công phụ trách công tác tài chính, binh vận của Đảng kiêm việc xây dựng một số an toàn khu vùng ven Hà Nội: Thanh Oai, Mai Lĩnh, Chương Mỹ. Cuối năm 1943, đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vấn đề tài chính thiếu thốn làm cho đồng chí luôn trăn trở suy nghĩ, vì điều đó sẽ gây cản trở cho việc triển khai các hoạt động trong thời gian gấp rút chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Đồng chí đã đưa ra nhiều sáng kiến huy động tài chính trong nhân dân, trong đó việc vận động mua ủng hộ tín phiếu Việt Minh thu được nhiều kết quả.
Đợt đầu, đồng chí cho in từ loại 50 đến 1.000 đồng, đợt thứ hai in loại 1.000 đến 10.000 đồng, tổng số bán được 50 triệu. Nhờ vậy, nguồn tài chính của Đảng giảm bớt khó khăn. Vũ khí và các trang thiết bị in ấn phục vụ công tác tuyên truyền… được mua đã góp phần thiết thực cho công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tín phiếu năm 1944
Từ ngày 13 đến 15/8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị họp đúng lúc phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, vì vậy Nghị quyết của Hội nghị đã nêu rõ: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi…toàn dân tộc ta đang sôi nổi đợi giờ khởi khĩa giành chính quyền độc lập”.
Từ ngày 16 đến 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu vào Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng.
Ngay sau khi Quốc dân Đại hội bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dân tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi họp
Quốc dân Đại hội, ngày 16 và 17/8/1945
Đến khi thành lập Chính phủ lâm thời, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tự nguyện xin rút lui để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước ở ngoài Việt Minh nhằm thực hiện tư tưởng của Bác là đại đoàn kết dân tộc, tránh xảy ra xung đột giữa các lực lượng đối lập khi chính quyền cách mạng còn đang trứng nước. Mặt khác, đồng chí luôn khắc ghi lời dạy của Người: “Chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc là phải đem hết sức lực phục vụ nhân dân chứ không phải khi cách mạng thành công mà ta lại giành hết các cương vị trong Chính phủ” (hồi ký cách mạng - Nguyễn Lương Bằng).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa sau buổi họp Chính phủ đầu tiên, năm 1945
Ðánh giá cao nghĩa cử của đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã nói: "Ðó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Ðó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính, mà chúng ta phải học".
Chiều ngày 30/8/1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng - đại diện của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh cùng đồng chí Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), Cù Huy Cận đã nhận ấn kiếm trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại tại Quảng trường Ngọ Môn (Huế).
Quảng trường Ngọ Môn, Huế
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau lễ Tuyên thệ của Chính phủ lâm thời, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ xây dựng nước Việt Nam mới.
Đất nước giành độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược. Chúng đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, ráo riết chuẩn bị đưa quân ra Bắc. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng kéo vào, ra sức cướp bóc, hoành hành, o ép chính phủ lâm thời và nhân dân: “Nhiều tên đến Bắc Bộ phủ đòi Bác cung cấp gạo, xăng, Bác trả lời dứt khoát:
- Các ông bảo chúng tôi cung cấp cái gì chứ cung cấp gạo, xăng thì không thể có. Cung cấp gạo để cho nhân dân tôi chết đói ư? Chúng tôi không thể cung cấp được. Còn dầu xăng thì nước tôi không sản xuất ra dầu xăng, nên lại càng không có” (hồi ký cách mạng - Nguyễn Lương Bằng).
Chợ Bến Thành, Sài Gòn trong ngày đầu kháng chiến
chống thực dân Pháp, ngày 23/9/1945
Từ tháng 9/1945 đến năm 1947, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ bảo vệ Bác cùng với các anh em ở chiến khu về như: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.
Thời gian này, Bác ở nhà số 8 Vua Lê (Lê Thái Tổ). Hằng ngày, Bác đến Bắc Bộ phủ làm việc. Tình hình rất căng thẳng, đồng chí đã nhiều lần chứng kiến những đêm Bác trằn trọc mãi không ngủ được.
Bọn đặc vụ Tưởng giăng khắp nơi. Để bảo vệ Bác trong thời điểm khó khăn này, đồng chí tổ chức lực lượng bảo vệ bao gồm: một tiểu đội vũ trang canh gác tại nhà ở, một trung đội vũ trang canh gác ở Bắc Bộ phủ; đồng thời bố trí ba chiếc xe cho Bác thay đổi và chuẩn bị nhiều chỗ ở tạm thời nhằm tránh sự đánh úp của Quốc dân Đảng.
Bắc Bộ phủ (nay là số 12, phố Ngô Quyền, Hà Nội)
Trong quá trình công tác sau này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam tại Liên Xô, Tổng thanh tra chính phủ, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nhận Quốc thư
của Đại sứ Phần Lan, ngày 30/7/1974
Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng chính là “biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em”, là vì sao sáng mãi, ghi dấu ấn sâu đậm trong những ngày mùa thu lịch sử.
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Sâm
Nguồn:
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2009.