Tin tức– Sự kiện
27/09/2017 16:53 27/09/2017 16:53 2786
Người được mang tên là “Cụ Hồ em” (phần 3)
Ngày 29/01/1932, đồng chí Hồ Tùng Mậu bị “phát vãng” lên Nhà lao Kon Tum. Tại đây, đồng chí tiếp tục cùng anh em tù chính trị tổ chức đấu tranh chống địch khủng bố, đồng thời kêu gọi anh em giữ gìn phẩm chất của người cách mạng, giải quyết một số vấn đề tư tưởng nảy sinh trong lúc phong trào thất bại.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã dùng nhiều hình thức để tuyên truyền cách mạng, trong đó có hình thức kể chuyện. Tác phẩm “Giọt máu hồng” phần 2 được ra đời trong hoàn cảnh đó. Nội dung nhằm giáo dục người đảng viên sống phải có bản lĩnh, không được chán nản, tiêu cực, dù có bị hiểu lầm vẫn trung thành với lý tưởng của Đảng. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam) trong hồi ký của mình có ghi: “Đồng chí Mậu là tay văn già, lại có giọng tốt, mỗi lần giọng đồng chí cất lên sang sảng kể chuyện Giọt máu hồng thì tất cả anh chị em các buồng giam xung quanh, từ xà lim bên cạnh đến buồng Tứ đều nghe, im phăng phắc. Từ đấy, đến giờ kể chuyện, đọc báo ai cũng chăm chú lắng nghe”.
 
 
Nơi Tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng ở Nhà lao Kon Tum
 
Không những giỏi văn, đồng chí Hồ Tùng Mậu còn có tài làm thơ. Ở Nhà lao Kon Tum, đồng chí cùng một số anh em tù chính trị lập ra “Hội Tao đàn”, dùng hình thức sáng tác và bình thơ để động viên, giáo dục anh em. Nhân dịp anh em đi viếng mộ tám chiến sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, Hội Tao đàn tổ chức cuộc thi thơ và được nhiều người hưởng ứng. Bài thơ “Viếng mồ liệt sỹ” của đồng chí Hồ Tùng Mậu được Ban chấm thi xếp giải Nhì, sau đưa lên giải Nhất vì có tứ thơ kín đáo, sâu sắc:
Tám mồ chiến sĩ táng kề nhau
Nấm mới vun lên, dậu mới rào!
Thể chất dẫu vùi miền đất đỏ,
Tinh thần còn tỏ giữa trời cao!
Khí thiêng mất vía phường cai trị,
Máu đỏ kinh hồn tụi xếp lao,
Bè bạn vãng lai lòng thổn thức
Thấy người nằm đó nghĩ làm sao?
Cuối năm 1933, đồng chí Hồ Tùng Mậu bị thực dân Pháp chuyển từ Nhà lao Kon Tum đến nhà đày Buôn Ma Thuột. Đây là nơi giam giữ lâu dài tù chính trị, đặc biệt là những người có án nặng, từ các nhà lao khác ở các tỉnh miền Trung chuyển về.
 
 
Nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi đồng chí Hồ Tùng Mậu 
từng bị thực dân Pháp giam giữ
 
Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng ở nơi rừng thiêng, nước độc, hoang vu, xa dân, với mục đích cách ly những chiến sĩ cộng sản với quần chúng và phong trào đấu tranh, bào mòn ý chí cách mạng và tuổi trẻ của họ. Bệnh tật cũng tiếp tay cho kẻ thù giết hại tù nhân bị giam cầm tại đây. Hai bệnh thường gặp và có số tử vong cao nhất là sốt rét ác tính và kiết lỵ.
Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Hồ Tùng Mậu với kinh nghiệm của một chiến sĩ cộng sản chín chắn và sâu sắc, đã tập hợp, đoàn kết được anh em tù nhân tổ chức học tập nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa, chính trị. Đồng chí chủ trương đấu tranh trong tù không nên quá “tả”, dễ bị kẻ thù lợi dụng để đàn áp; cần giữ nghiêm kỷ luật nội bộ, khôn khéo tránh những âm mưu khiêu khích của địch, không để cá nhân nào tự ý gây ra việc gì có thể tạo cớ để địch khủng bố.
Dù bị giam ở bất cứ nhà tù nào, đồng chí Hồ Tùng Mậu vẫn bền bỉ và kiên cường giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Tinh thần lạc quan và lòng thương yêu đồng chí của Hồ Tùng Mậu luôn tỏa sáng giữa chốn lao tù, được khắc họa trong bài thơ “Tin tưởng”:
Cái nợ non sông trót hẹn hò,
Đường đời bao quản bước quanh co
Tuy không bằng kẻ phong da ngựa
Song cũng hơn phường vác mặt mo
Cách mạng đã gieo thì kết quả,
Cường quyền không đốt cũng ra tro
Anh hùng khôn luận nơi thành bại
Thà chết còn hơn mất tự do.
Năm 1936, phong trào Mặt trận Bình dân thắng lợi ở Pháp, đồng chí Hồ Tùng Mậu được ân xá, giảm án từ khổ sai chung thân xuống còn 10 năm tù.
Năm 1941, đồng chí Hồ Tùng Mậu hết hạn tù, được thực dân Pháp đưa về giam lỏng ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Trước khi trả tự do cho đồng chí, Chánh Thanh tra Mật thám Pháp ở Vinh là Amber cho dẫn vợ con đồng chí Hồ Tùng Mậu vào thăm và dụ dỗ đồng chí hợp tác với chúng, thôi làm cách mạng. Đồng chí Hồ Tùng Mậu cương quyết cự tuyệt. Vì sự cự tuyệt đó, đồng chí Hồ Túng Mậu chỉ được gặp vợ con một hôm rồi bị đưa vào căng an trí ở Trà Khê, tỉnh Phú Yên để cách ly với môi trường chính trị. Ở đây, chế độ giam giữ có phần nới lỏng hơn ở các nhà tù khác nhưng người tù không biết bao giờ mới được trả tự do.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp. Bọn cai ngục người Pháp ở Trà Khê đều bị lính Nhật giết hoặc bắt giam. Đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng các bạn tù chính trị kịp thời nắm lấy thời cơ, tuyên truyền cho lính gác bỏ ngũ rồi phá Nhà lao Trà Khê, tìm đường về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tháng 7/1945, Xứ ủy Trung Kỳ điều động đồng chí Hồ Tùng Mậu tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đang đến gần. Người chiến sĩ cách mạng giàu kinh nghiệm Hồ Tùng Mậu lại lên đường chiến đấu. Ý chí cách mạng đã được tôi luyện, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng đã được tích lũy qua bao năm, nay lại được phát huy trong cuộc chiến đấu mới.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo: Sách “Hồ Tùng Mậu tiểu sử”, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2016.                                          

Chia sẻ: