Tin tức– Sự kiện
17/12/2017 15:15 17/12/2017 15:15 3095
Nếu như không có bom đạn…
45 năm đã qua đi, giờ đây khu phố Khâm Thiên, Ga Hà Nội và đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai đã được xây dựng lại đàng hoàng, to đẹp hơn. Với những người từng đi qua cuộc chiến, phải chứng kiến và hứng chịu những đau thương, mất mát bởi bom đạn Mỹ dội xuống Hà Nội năm 1972… giờ đây chỉ còn lại những ký ức. Và công chúng sẽ được hiểu thêm về những sự kiện của 45 năm trước, khi tới thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò trong những ngày cuối tháng 12 này.
 
 
Khách tham quan nội dung “Đối mặt với B-52”
 
Ở ngay nội dung thứ nhất với tựa đề “Đối mặt với B-52”, công chúng đã gặp lại những hình ảnh Thành phố Hà Nội, Hải Phòng đang phải hứng chịu hàng tấn bom đạn dội xuống. Không ai còn nhận ra hình ảnh của khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai hay Ga Hàng Cỏ... tất cả đã bị vùi lấp trong đống đổ nát, hoang tàn. Tại đây, người xem còn bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ với đôi mắt trong veo, đeo trên đầu vành khăn tang trắng, ngơ ngác khi mất đi những người thân. Là hình ảnh Giáo sư Đỗ Doãn Đại - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nén đau thương, chỉ đạo các nhân viên y tế nhanh chóng cứu giúp những người bị nạn sau trận ném bom của không quân Mỹ xuống bệnh viện vào đêm ngày 22/12/1972.
 
 
Lễ tưởng niệm cán bộ Bệnh viện bạch Mai hy sinh năm 1972
 
Trong chiến tranh, Bệnh viện Bạch Mai sở hữu hệ thống hầm trú ẩn kiên cố, an toàn, nên mỗi khi Hà Nội có báo động, người dân xung quanh đó thường tìm đến trú nhờ. Do vậy, sau mỗi trận bom Mỹ ném xuống bệnh viện, Giám đốc Đỗ Doãn Đại rất lo lắng, trong đầu ông luôn thường trực câu hỏi: liệu rằng dưới đống đổ nát kia còn ai chưa được cứu?.
Ngay  từ năm 1967, Bệnh viện Bạch Mai đã nhận được lệnh sơ tán về Liên Bạt, Ứng Hòa, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có một nửa số nhân viên của bệnh viện trụ lại, và đó chính là mục tiêu không kích của máy bay địch. “Khi người dân còn đây, bộ đội còn đây, Hà Nội còn đây, đến khi cần lấy ai cứu chữa bệnh nhân!” - đó là suy nghĩ của người đứng đầu bệnh viện. Do vậy, những cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn tranh thủ thực tập các thao tác vận chuyển bệnh nhân xuống hầm trong những lúc không có kẻng báo động. Thông thường, bệnh nhân được đưa vào sâu trong các đường hầm, phía ngoài là nơi trực của bác sỹ, y tá và hộ lý. 
 
 
Giáo sư Đỗ Doãn Đại Bệnh viện Bạch Mai 
chỉ đạo CBVN khắc phục hậu quả sau một trận ném bom
 
Trong số những nhân viên y tế của Bạch Mai tử nạn do những trận bom Mỹ, trong ký ức của nhiều người vẫn còn ám ảnh về cái chết của nữ bác sỹ Ngô Thị Ngọc Tường, chị ra đi sau những loạt bom B-52 đầu tiên trút xuống Hà Nội và khi chỉ còn 2 ngày nữa là lên xe hoa về nhà chồng. Trên bàn làm việc của chị là một loạt những thiệp cưới còn chưa kịp gửi đi. Đám cưới của chị sẽ diễn ra vào ngày 22/12/1972, chồng sắp cưới của chị sau này là một Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học của ngành Giao thông Vận tải.
 
 
Bác sĩ Ngô Thị Ngọc Tường qua ống kính đạo điễn Phạm Việt Tùng
 
Ngọc Tường là một nữ bác sĩ trẻ, chị không đi sơ tán mà ở lại bệnh viện để cùng cứu chữa những người bị nạn. Đêm ngày 18/12, chị Tường không có ca trực ở bệnh viện mà ở nhà với mẹ. Cứ vài ba chục phút lại báo động một lần, mẹ Tường nói với con gái: “Thôi, con nằm ở phía sát vách, để mẹ nằm ngoài, chui hầm cho dễ”. Chị Tường đã đổi vị trí cho mẹ và rồi một mảnh bom lạc đã xuyên qua vách, trúng vào người Tường. Nữ bác sĩ trẻ ngay lập tức được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng mảnh bom định mệnh đã cướp đi mạng sống của chị, cướp đi ngày vui gần kề. Hạnh phúc trong tầm tay đã vụt mất. Người chồng sắp cưới của chị là em ruột Giáo sư Đỗ Doãn Đại. Sau này, khi nhớ về thời khắc đau buồn ấy, Giáo sư Đại kể: “Suốt mấy ngày trước đó, tôi và các đồng sự thức trắng đêm để cứu cô Tường, vì ngoài việc cô ấy là người của bệnh viện, Tường còn là người nhà của tôi nữa”.
Sau khi lo đám tang cho người em dâu tương lai, Giáo sư Đại trở về nhà với tâm trạng buồn bã, mệt mỏi. Chưa kịp nghỉ ngơi thì ông lại nghe thấy hàng loạt tiếng nổ ầm ầm rất gần, nhà cửa rung chuyển, đất trời chao đảo, những quầng lửa nối nhau rực sáng, vậy là Bệnh viện Bạch Mai lại trúng bom rồi. Khi thấy còi báo yên, ông Đại lập tức đạp xe vào viện, đó là đêm ngày 22/12/1972, sát ngày Noel, trời rét căm căm, một quang cảnh tan hoang hiện ra trước mắt ông: Hầm sập, nhà đổ, tiếng khóc than của những người đã mất đi người thân chỉ trong tích tắc. Trận bom đó đã cướp đi sinh mạng của 28 người, trong đó phần lớn là nhân viên y tế. 
 
 
Giáo sư Đỗ Doãn Đại báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hậu quả 
sau trận máy bay B52 ném bom xuống bệnh viện, ngày 22/12/1972
 
Liên tiếp các ngày sau trận bom tàn sát, nhiều đoàn khách quốc tế thay nhau đến thăm Bệnh viện Bạch Mai, tận mắt chứng kiến tội ác của đế quốc Mỹ và cả sự hồi sinh mãnh liệt của bệnh viện. Ngay sau khi dứt tiếng bom, một người bạn của Giáo sư Đại là nữ bác sỹ người Pháp Yvonne Cap de Vilie đã có mặt ngay tại hiện trường để “ghi nhớ và tố cáo”. Một số phi công Mỹ đang ở tại “Hilton Hà Nội” cũng được đưa đến bệnh viện, tận mắt nhìn thấy hậu quả mà chính họ và đồng đội họ gây ra.
 
 
Trước khi được trao trả, phi công Mỹ được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai 
để chứng kiến những hậu quả mà họ và đồng đội đã gây ra
 
Giá như không có bom đạn thì 286 người dân vô tội ở Khâm Thiên không bị thiệt mạng; 28 người, trong đó phần lớn là nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai sẽ còn được sống để tiếp tục những công việc chuyên môn của mình. Và chắc chắn rằng nhiều phi công Mỹ sẽ không phải ân hận, day dứt về những việc mình đã từng làm và hậu quả mình đã gây ra…
 
 
Nữ diễn viên Jane Fonda tận mắt chứng kiến cảnh đổ nát, hậu quả của bom đạn Mỹ
 
Nữ diễn viên Jane Fonda - hay còn được gọi là “Jane Hà Nội” cũng tới bệnh viện những ngày sau đó, bà đứng trên nền gạch vỡ và “cảm thấy bất lực trước sự man rợ của chiến tranh”. Sau chuyến thăm đó, “Jane Hà Nội” đã có bức thư gửi tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong đó có đoạn viết: “Trước chiến tranh, nhân dân Mỹ và Việt Nam biết rất ít về nhau. Kể từ cuộc đàn áp của chủ nghĩa đế quốc, hai dân tộc đã hiểu rõ thêm về quốc gia ở phía bên kia. Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta có thể gần gũi với nhau hơn. Đoàn kết và thân ái!”.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục, Truyền thông
* Tài liệu tham khảo: Hồi ức 1972 - GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Chia sẻ: