Tin tức– Sự kiện
27/01/2018 10:37 27/01/2018 10:37 1798
Nụ cười chiến thắng
Cách đây 45 năm, ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Thắng lợi của Hiệp định đã tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước. 
Và khi nói đến Hội nghị Paris, người ta không thể không nhắc đến ông Xuân Thủy, vị Bộ trưởng có “nụ cười chiến thắng”, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
 
Xuất thân trong gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, năm 13 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng. Năm 26 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt kết án 4 tháng tù vì đã “biểu tình chống thuế cư trú, phá rối trị an” bị giam ở nhà tù Phúc Yên và nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Tại Hỏa Lò, ông tuyệt thực 5 ngày để phản đối bản án. Sống trong cảnh tù đày gian khổ, ông vẫn sáng tác thơ, thể hiện sự lạc quan và niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc:
Đế quốc tù ta, ta chẳng tù
Ta còn bộ óc, ta không lo.
Giam người, khoá cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do.
 
Có lúc ngươi toan đánh bể đầu
Đầu ta chẳng bể, sống càng lâu
Sống lâu ta nghĩ trăm ngàn kế
Nghĩ kế đưa ngươi xuống vực sâu…
                                                                  (Không giam được trí óc, 1938)
 
Hết hạn tù, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1939 - 1943, ông lại bị thực dân Pháp bắt, giam ở các nhà tù Hà Đông, Hỏa Lò, Sơn La, căng Bắc Mê (Hà Giang). Cuối năm 1943, ông bị đưa về quê để quản thúc. 
 
Ông Xuân Thủy khi bị thực dân Pháp bắt, giam 
(ảnh do mật thám Pháp chụp)
 
Năm 1944, ông tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Cách mạng thành công, ông được cử vào Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ, làm Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh.
Trong quá trình công tác, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Năm 1968 - 1973, ông được cử làm Bộ trưởng Chính phủ, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam. 
Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX. Gần 5 năm hội nghị, Chính phủ Mỹ đã bốn lần thay đổi trưởng đoàn: Averell Hariman, Cabot Lodge, David Bruce, Wiliam Porter, không kể cố vấn đặc biệt Henry Kissinger. Về phía Việt Nam, chỉ có ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn. 
Suốt những năm đấu trí căng thẳng ở Paris, ở ông luôn toát lên phong thái lạc quan, bền bỉ, vững vàng. Nụ cười tươi tắn của ông còn được giới báo chí phương Tây gọi đó là “nụ cười chiến thắng”.
Tỏ rõ thái độ kiên quyết nhưng mềm dẻo, có lần Bộ trưởng Xuân Thủy kể lại trong một phiên họp, ông hỏi Trưởng đoàn Averell Hariman: "Ông điếc tai từ bao giờ, tại sao?". Hariman trả lời: "Từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, vì chấn động bom và điếc tai bên trái". Bộ trưởng dí dỏm nói: "Ông Hariman bị điếc tai vì bom, mà sao không chịu chấm dứt ném bom miền Bắc? Ông ta điếc tai trái, thảo nào mình đòi chấm dứt ném bom vô điều kiện, ông ta cứ nói sang chuyện khác".
 
Ông Xuân Thủy, Bộ trưởng Chính phủ, Trưởng đoàn đàm phán
của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hàng đầu, thứ tư từ phải sang)
tại Hội nghị Paris về Việt Nam, ngày 13/5/1968
 
Là Trưởng đoàn nên ông phải đọc duyệt các bài phát biểu tại hội nghị. Bộ phận báo chí của đoàn phải chờ đến cuối ngày, sau khi nắm bắt tình hình chiến trường, dư luận báo chí, lập luận của đối phương… mới có thể viết bài cho phù hợp. Cho nên khoảng 7 - 8 giờ tối mới xong bản thảo, sau đó ông phải duyệt bài đến đêm khuya, có hôm đến  1 - 2 giờ sáng mới xong và đưa đi dịch tiếng Anh, nhân thành nhiều bản để kịp sáng hôm sau đọc ở hội nghị. Được đi nghỉ nhưng căn bệnh hen suyễn kinh niên lại gây mất ngủ nhưng ông vẫn vượt lên bệnh tật với ý chí và nghị lực phi thường.
Ông Trịnh Ngọc Thái, thư ký riêng của Bộ trưởng Xuân Thủy tại Hội nghị Paris nhớ lại: “Ông Xuân Thủy bị hen rất nặng, mỗi khi lên cơn hen ông rất khổ sở, nhưng tới cuộc họp, mặt ông lại tươi tỉnh như không hề có chuyện gì xảy ra và cũng không ai biết ông vừa bị căn bệnh đó hành hạ. Cũng chính vì bệnh hen, nên ông thường phải uống một loại thuốc để cắt cơn. Ông biết loại thuốc này rất hại cho tim mạch nhưng ông vẫn dùng để nhanh chóng dập tắt cơn hen, mỗi khi đi dự các cuộc họp ở đường Kléber”.
 
Toàn cảnh khai mạc cuộc họp bốn bên tại Hội nghị Paris về Việt Nam, ngày 25/01/1969
 
Khi không đạt được thắng lợi tại bàn đàm phán, phía Mỹ tại tiếp tục leo thang chiến tranh. Nhưng những hành động của Mỹ và tay sai đều bị thất bại, đặc biệt là cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972.
Sau 174 phiên họp công khai và 24 phiên họp bí mật, ngày 27/01/1973, Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Paris, rút hết và rút không điều kiện toàn bộ quân Mỹ và chư hầu về nước; tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
 
Cuộc họp riêng giữa ông Xuân Thủy, Bộ trưởng Chính phủ, Trưởng đoàn 
đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hàng bên trái, thứ hai) 
và Cố vấn Tổng thống Mỹ Henry Kissinger tại Hội nghị Paris về Việt Nam, ngày 13/01/1973
 
Quá trình đàm phán ở Paris và Hiệp định Paris là chiến thắng của một nền ngoại giao non trẻ nhưng đầy chính nghĩa trong đó dấu ấn Xuân Thủy để lại rất rõ. Ông đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Nam - Bắc trong đàm phán, hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Xuân Thủy (02/9/1912 - 02/9/2012), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Tên tuổi của ông gắn liền với quá trình đàm phán sôi động, đầy cam go của Hội nghị Paris về Việt Nam từ năm 1968 -1973, được bạn bè quốc tế vinh danh là Bộ trưởng với nụ cười chiến thắng”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Bộ Ngoại giao vô cùng vinh dự, tự hào được Bộ trưởng Xuân Thủy trực tiếp lãnh đạo một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc. Đồng chí Xuân Thủy đã để lại nhiều dấu ấn vô cùng quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, trong đó có công tác xây dựng ngành”.
 
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: