Với mong muốn tri ân sự cống hiến, hy sinh của những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, sau thời gian dài nghiên cứu, lần đầu tiên tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, những hình ảnh, tài liệu về 5 đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ được lựa chọn để trưng bày.
Xin được giới thiệu tới quý độc giả bài viết của Nhà văn Nguyệt Tú về chuyện tình yêu, tình đồng chí của 2 nhà cách mạng tiền bối: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
Phần 2: Cùng ở Liên Xô
Trong Đại hội 7 Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong và Minh Khai đều có tham luận. Minh Khai đề cập đến "Vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống việc chuẩn bị chiến tranh chống đế quốc mới, đấu tranh cho hòa bình". Bài phát biểu của Phan Lan (bí danh của Minh Khai), đại biểu trẻ nhất Đại hội đã gây được tiếng vang và cảm tình của nhiều người. Minh Khai sung sướng nhận thấy bản tham luận Phong trào chung của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của Lê Hồng Phong thu hút được sự chú ý của các đoàn đại biểu.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và bà Crup-xkai-a (vợ Lê-Nin)
tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 năm 1935
Đại hội 7 Quốc tế cộng sản đã tuyên bố công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ chính thức của Quốc tế cộng sản. Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản. Trong bữa cơm liên hoan thân mật giữa hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp, Minh Khai hăng hái vui vẻ hát chung một bài với Lê Hồng Phong. Chị đặt lời bài hát, anh phổ nhạc:
Nào ai khốn khổ trên đời
Cùng nhau thề quyết một lời
Phen này hy sinh phấn đấu
Ra tay cướp lấy chính quyền...
Chính phủ Liên Xô tổ chức cho Lê Hồng Phong, Minh Khai đi nghỉ hè mấy ngày. Sau đó, anh chị tiếp tục học ở Trường Đại học Phương Đông. Tuy ở cùng một thành phố, nhưng người nào cũng rất bận, nhất là từ khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Moskva.
Thẻ dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản của
đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hải An)
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Ban Phương Đông quốc tế cộng sản, bàn về việc giáo dục lý luận Mác - Lênin cho đảng viên. Người nói:
- Tình trạng thiếu lý luận làm cho các Đảng gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, thậm chí mắc những sai lầm nghiêm trọng.
Đảng rất cần xuất bản những tập sách nhỏ để giáo dục lý luận cho đảng viên. Cuốn sách Dân chủ tập trung của Lê Hồng Phong và cuốn Vấn đề du kích của Minh Khai đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Sau ngày họp Quốc tế cộng sản hai tháng, Lê Hồng Phong gấp rút chuẩn bị Đại hội quốc tế thanh niên.
Một ngày mùa thu, Lê Hồng Phong đến đón Minh Khai từ Trường Đại học Phương Đông ra. Anh dẫn chị đi một vòng quanh công viên một lúc rồi hai người ngồi lại trên chiếc ghế đá cạnh bồn nước. Đây là những giây phút hiếm hoi trong cuộc sống giữa hai người ở Moskva. Với tư cách Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong gặp Minh Khai để chuyển giấy triệu tập. Anh rút từ áo ngoài một tờ giấy trắng gấp tư in những chữ Nga to đậm nét. Anh nói vẻ bí mật:
- Em đọc đi.
Moskva ngày 22/8/1935:
Kính gửi: Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu.
Chúng tôi xin giới thiệu nữ đồng chí Phan Lan hiện đã ở Moskva đến dự Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản với tư cách là đại biểu chính thức. Xin cho hai giấy mời thêm cho hai người dự thính nữa là đồng chí Văn Tạo và đồng chí TX.
Ký tên
Lê Hồng Phong
Lê Hồng Phong vuốt nhẹ mấy sợi tóc xoã trên trán Minh Khai, cười dí dỏm:
- Không phải anh đề nghị đâu nhé. Việc cử đại biểu chính thức là ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đấy. Đồng chí cũng sẽ đến dự Đại hội Quốc tế thanh niên lần này.
Thẻ đại biểu của đồng chí Minh Khai tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản VII
Một tháng sau, đảng viên Cộng sản trẻ khắp năm châu về dự Đại hội Quốc tế thanh niên. Đại hội họp trong một thời điểm có nhiều biến động trên toàn thế giới. Nguy cơ chiến tranh ngày một tăng. Chủ nghĩa phát xít đang đe dọa hòa bình thế giới. Đại hội quốc tế thanh niên cộng sản đề ra nhiệm vụ: "Lập mặt trận thanh niên duy nhất chống đế quốc để chống chiến tranh".
Áo len đồng chí Minh Khai đan tặng đồng chí Hoàng Vĩnh Tuy - đại biểu cùng đi
tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản năm 1935
Minh Khai cảm thấy vinh dự được tham dự đại hội. Một trang sử đặc biệt đáng ghi nhớ của phong trào thanh niên toàn thế giới.
(còn tiếp)
Nhà văn Nguyệt Tú
(Nguyễn Thị Khánh Hồng trích đăng)