Vượt qua cái ồn ào náo nhiệt của trung tâm thành phố, chúng tôi tìm gặp ông Lê Trần Lụa bên gốc đa sát hồ Hoàn Kiếm. Tiếp chúng tôi là ông cụ dáng người cao, gầy nhưng giọng nói nhẹ nhàng ấm áp của một thầy thư pháp. Đó chính là một trong những người đầu tiên lao ra cứu viên phi công người Mỹ John Sidney McCain - sau này là Thượng nghị sỹ, một “người hùng” của nước Mỹ và cũng là một người bạn đáng kính của nhân dân Việt Nam.
Trong những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ nhằm vào miền Bắc, khu vực Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch nằm ở vị trí chiến lược vì một bên gần Phủ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, một bên gần khu vực nhà máy nước, nhà máy điện Yên Phụ, đường Thanh Niên. Giữa hồ Trúc Bạch lúc bấy giờ còn lập nên một đại đội pháo phòng không, hàng ngày dân quân du kích thay nhau bơi ra hồ để tiếp tế cho anh em chiến sĩ và khi cần thiết thì trực tiếp tham gia chiến đấu.
“Người Hà Nội lúc bấy giờ, được chiến đấu vì đất nước là một vinh dự lớn. Lúc đó, chúng tôi nào nghĩ được đến sự sống và cái chết của bản thân mình, không làm được điều gì có ích mới là điều đáng sợ nhất” - ông Lụa nhớ lại.
Ông Lê Trần Lụa cho xem những bài báo viết về ông
Trưa 26/10/1967, ông Lụa vừa mới đi làm về, còn đang dở bữa cơm thì máy bay địch kéo đến, mọi người lập tức vào hầm trú ẩn tập thể gần đó. Khi thấy có tiếng nổ, ông và mấy anh em lập tức chui đầu ra khỏi hầm, thấy một cái dù lao xuống. Theo suy đoán của mọi người, chắc chắn chiếc dù sẽ rơi vào khu vực ven hồ, ngay sát chỗ gia đình nhà ông Lụa sinh sống.Trên đầu máy bay Mỹ vẫn quanh quẩn, cảm thấy lo lắng cho gia đình, bất chấp sự ngăn cản của mọi người, ông Lụa vẫn lao ra khỏi hầm, trong tay chỉ có một con dao nhỏ. Anh em tự vệ liền theo sau. Chiếc dù rơi xuống mặt hồ, cách bờ chừng 20-30m. Không nghĩ ngợi gì, ông lao xuống hồ, tiến đến gần phía chỗ viên phi công Mỹ đang giãy giụa trong đống phao dù. Ông Ổn (bác Mai Văn Ổn) - hàng xóm của ông Lụa bơi kế theo sau một đoạn với một ống bương dài để hỗ trợ. Ông Lụa một tay túm tóc viên phi công to gấp đôi mình, miệng hô: “Hô-lê-manh!” (giơ tay lên!). Lúc bấy giờ ông Lụa mới để ý, xung quanh chỗ viên phi công rơi, có nhiều hóa chất màu vàng thường làm tín hiệu kêu cứu của lính Mỹ.Vào đến bờ, các đơn vị vũ trang và công an nhanh chóng tiếp nhận viên phi công Mỹ. Bàn giao xong, ông lại trở về nhà máy với công việc thường nhật của mình rồi cũng quên bẵng đi. Thậm chí mãi về sau ông mới biết viên phi công Mỹ mà mình bắt sống là John S.McCain - lúc bấy giờ đang là thiếu tá hải quân (sau này là Thượng nghị sỹ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008).
Ông Lê Trần Lụa (người cầm dao trong ảnh) khi cùng mọi người
cứu thiếu tá phi công John McCain tại hồ Trúc Bạch ngày 26/10/1967
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, bác Lê Trần Lụa vừa nói vừa mỉm cười: “Khi cứu người lính Mỹ đó, tôi và những người khác chỉ có một suy nghĩ làm sao nhanh chóng cứu anh ta khỏi bị chết đuối vì lúc đó người phi công Mỹ bị thương khá nặng. Tôi tin rằng bất kỳ người dân Việt Nam nào nếu ở vào tình huống này như chúng tôi lúc đó cũng sẽ đều có suy nghĩ và hành động như vậy”.
Thượng nghị sỹ Mỹ John S.McCain (ở giữa) chụp ảnh kỷ niệm
bên bức phù điêu cạnh hồ Trúc Bạch
Bài: Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông