Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; lão thành cách mạng, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La đã từ trần vào hồi 19 giờ 47 phút, ngày 7/12/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.Sau khi vượt ngục thành công, tháng 7/1944, đồng chí được bổ sung vào Xứ uỷ Bắc kỳ, là uỷ viên thường vụ, Trưởng ban Công vận Xứ. Ngày 09/3/1945, đồng chí tham gia cuộc họp thường vụ Trung ương mở rộng, địa điểm là nhà cụ Đám Thi ở làng Đình Bảng (Bắc Ninh), giữa lúc đó, Nhật đảo chính Pháp. Hội nghị họp đánh giá tình hình và ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đây chính là bản kế hoạch chi tiết hướng dẫn các địa phương tuỳ theo tương quan lực lượng giữa ta và địch mà tổ chức quần chúng nổi dậy giành chính quyền.Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí là Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc bộ, phụ trách quân sự. Trong thời gian cuối năm 1945, đầu năm 1946, Trung ương cử đồng chí là đại biểu của Việt minh tham gia uỷ ban điều giải, có nhiệm vụ dàn xếp những xung đột giữa Quốc dân Đảng và Việt Minh tại các tỉnh Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang.Ngày 06/3/1946, diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I, đồng chí Nguyễn Văn Trân là ứng cử đại biểu của tỉnh Nam Định.Tháng 5/1946, đồng chí được chỉ định làm Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ Thành phố Hà Nội để chuẩn bị các kế hoạch tác chiến, kế hoạch bảo vệ Trung ương và Chính phủ, đặc biệt là kế hoạch vận chuyển những nhu yếu phẩm cần thiết đưa lên chiến khu phục vụ cho cuộc kháng chiến, kế hoạch bảo vệ và sơ tán dân. Tháng 10/1946, đồng chí được Trung ương chỉ định kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội.Năm 1948 - 1951, đồng chí là Bí thư Liên khu III, kiêm Chủ tịch UBKC Liên khu III. Công việc của Liên khu III lúc này là lo tổ chức chống địch đánh phá, càn quét mở rộng, tổ chức dân quân du kích, bộ đội địa phương, xây dựng làng kháng chiến, tổ chức chống địch càn quét cướp thóc lúa, chống bắt lính...Tổ chức tuyên truyền cho đồng bào có tôn giáo, tuyên truyền cho ngụy binh quay trở về gia đình... Tháng 02/ 1951, diễn ra Đại hội Đảng lần thứ II, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương Đảng khóa II.Năm 1952, đồng chí giữ cương vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tham gia thanh tra các khu các tỉnh về việc đóng thuế của nhân dân, không để xảy ra tình trạng tham nhũng; thanh tra các địa phương trong việc tuyên truyền kháng chiến, vận động nhân dân giữ gìn bí mật, chống gián điệp, chống việt gian, chống việc bắt bớ giam cầm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.Giữa năm 1953, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí được giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp Trung ương cho mặt trận Điện Biên Phủ.Năm 1955 - 1959, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện, công việc chính là khôi phục hệ thống đường sắt, đường bộ, các bến cảng và đường sông. Cuối năm 1955, đồng chí được cử kiêm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.Năm 1960 - 1965, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương Đảng khóa III; Là Ủy viên Ban Bí thư, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Trong những năm này, Bộ Công nghiệp nặng đã xây dựng hàng loạt các nhà máy, các ngành cơ khí, đóng tàu, nhiệt điện, thủy điện, các khu mỏ...Sau đó, đồng chí làm Trưởng ban Công nghiệp TW, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao.Năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc. Năm 1966, đồng chí lại được bầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội, tổ chức chống lại việc Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, đồng chí ở lại Hà Nội lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế.Năm 1975 - 1976, đồng chí giữ cương vị Bí thư Trung ương; sau đó được điều động vào Nam tham gia Trung ương cục - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cục, tham gia đoàn đại biểu Chính phủ tiếp quản miền Nam.Năm 1977 - 1989, đồng chí là Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Hiệu trưởng Trường Quản lý Kinh tế và Hành chính Trung ương.Năm 1990 - 1991, đồng chí là Tổ trưởng Tổ Xây dựng chiến lược kinh tế xã hội của Đại hội VII.Liên tục trong các năm từ 1946 - 1987, đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khoá VII; là Trưởng ban Kinh tế - Kế hoạch của Quốc hội.Từ năm 1991 đến nay, đồng chí đã tham gia: Tổ tư vấn, nhóm nghiên cứu Chính Phủ; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thăng Long; Chủ nhiệm Hội sinh vật cảnh Việt Nam; Trưởng ban Đại diện 15 Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày hiện đang sinh hoạt tại Hà Nội; Trưởng Ban liên lạc nhà tù Sơn La. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã trở thành một trong những người lãnh đạo quan trọng của phong trào cách mạng của Đảng ta. Không khuất phục trước gông cùm và sự tra tấn dã man của kẻ thù, ý chí cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Trân được tôi luyện qua các nhà tù thực dân, được thử thách và trưởng thành qua phong trào cách mạng, qua các cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử hành trọng thể
tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (Ảnh: TTX Việt Nam)
Vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Văn Trân! Chúng tôi, những cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nguyện học tập, lao động, rèn luyện bản lính chính trị vững vàng để đưa di tích Hỏa Lò trở thành một điểm đến của mọi du khách, một “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng.Bài và ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm