Mấy bạn học thời phổ thông với tôi trong đó có Giáo sư Sử học, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh nghe tiếng tăm của Di tích nhà tù Hỏa Lò nên đề nghị tổ chức một buổi đi tham quan. Buổi sáng hôm đó trời đổ mưa rào sau đó bầu trời rất âm u nhưng mọi người vẫn đến đông đủ. Cảm động nhất là có hai chị tuổi cao, chân yếu phải chống gậy mà vẫn có mặt.
Chúng tôi được Ban Quản lý khu di tích rất nhiệt tình mở phòng khách và gặp gỡ chúng tôi khi ngồi chờ nhau. Bác sỹ Thu Vân đến sau, vừa vào đến cửa phòng khách đã khen: "Các cháu ở đây rất lễ phép đón chào và dẫn mình vào đấy". Tôi trả lời: "Chị ơi, các cháu phục vụ ở đây được tiếng là rất chuyên nghiệp mà". Lời nói của tôi được chứng minh ngay sau đó vì liên tiếp có rất nhiều khách trong nước và mấy đoàn khách nước ngoài đến tham quan.
Chúng tôi bắt đầu cuộc đi thăm bằng việc ra thắp hương tại Đài tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò. Bức phù điêu trải rộng trên hai mặt tường với hình tượng những người tù vùng dậy đấu tranh đã gây ấn tượng mạnh khiến các bạn tôi giục nhau chụp ảnh kỷ niệm.
Đoàn dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò
Sau đó chúng tôi ra thăm trưng bày Thép nơi ngục lửa, một sáng tạo ngắn gọn mà rất đầy đủ về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Mặc dù chúng tôi đều là những người rất thuộc sử nước nhà nhưng vẫn xúc động khi nhìn lại cả một quá trình hy sinh của các liệt sỹ từ Việt Nam Quang phục hội, Hà Thành đầu độc, khởi nghĩa Yên Bái v.v... cho đến hoạt động của các lãnh tụ cộng sản sau này. Phần trưng bày có những điểm nhấn rất đặc sắc như về tình yêu đôi lứa của những người cách mạng ngay trong ngục tù như Lê Hồng Phong với Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ với Hoàng Ngân ... và điểm nhấn về các liệt sỹ hy sinh trong tuổi thanh xuân trong đó có anh Phạm Hướng, người có công xây dựng và chỉ đạo phong trào Học sinh Kháng chiến chống Pháp mà một số chúng tôi ngày đó đã tham gia.
Tham quan trưng bày “Thép nơi ngục lửa”
Riêng tôi, khi đứng trước ảnh anh Nguyễn Hoàng Tôn, tôi lại nhớ lại thời công tác Đoàn khi được giao nhiệm vụ viết quyển Lịch sử Đoàn Hà Nội lần thứ nhất, tôi đã được ủy nhiệm làm rõ nội dung một bức thư do bà mẹ anh Nguyễn Hoàng Tôn gửi đồng chí Nguyễn Trung Mai, Thành ủy viên.
Tôi đến gặp chính quyền xã Đông Thái (nay thuộc Bưởi) và được biết bà không có con, nuôi anh Nguyễn Hoàng Tôn từ lúc còn nhỏ, hiện sống độc thân, chuyên chăm lo hương khói cho một ngôi miếu của làng.
Tôi đã đến gặp bà và được nghe kể về những giây phút cuối cùng của Nguyễn Hoàng Tôn. Bà bị thực dân Pháp bắt đến chứng kiến việc chúng chém đầu Nguyễn Hoàng Tôn ngay trước cổng nhà lao Hỏa Lò và nhớ mãi cái cảnh tượng vừa anh dũng vừa đau thương đó.
Chụp ảnh kỷ niệm tại trưng bày “Thép nơi ngục lửa”
Cùng thời gian đó, tôi cũng đã phát hiện ra Chi đoàn Thanh niên cộng sản Hà Nội đầu tiên (lúc đó gọi là Chi bộ Đoàn) được thành lập ở trường Yên Phụ nay là trường Mạc Đĩnh Chi thuộc Quận Ba Đình. Tôi mừng là tên tuổi Nguyễn Hoàng Tôn đã tiếp tục được vinh danh, còn một số liệt sỹ thanh niên tiêu biểu khác của các giai đoạn cách mạng về sau như Nguyễn Văn Trạch, Nguyễn Hải Kế thì nay rất ít được nhắc tới. Chỉ tiếc là bà mẹ anh Nguyễn Hoàng Tôn đã biết con mình hy sinh cho cách mạng mà không nghĩ anh nay đã trở thành một tấm gương thanh niên tiêu biểu của toàn quốc.
Tiếp đó, chúng tôi được đưa tới một trại giam điển hình. Đó là một căn phòng chiều dài khoảng gấp ba chiều rộng, có đường đi ở giữa, hai bên là những tấm gỗ lim nặng chịch ghép với nhau chạy dài suốt căn phòng làm nơi cho tù nhân nằm, phía dưới là sắt cùm chân cũng chạy dài theo bệ gỗ lim. Ở cuối căn phòng là một bệ xí thùng xây bằng xi măng, cao ngất ngưởng như một lò sưởi gạch của ngôi nhà Pháp cổ. Hàng ngày, người tù phải khiêng thùng phân đem đi đổ dưới sự canh gác của cai ngục.
Tham quan trại giam E
Nhưng khủng khiếp nhất vẫn là khu ngục tối, đó là "nhà tù trong nhà tù", nơi kẻ địch phạt giam những người mà chúng cho là cầm đầu những cuộc đấu tranh với chúng. Đó là những phòng giam riêng từng người, không có ánh sáng, người tù ngoài việc bị ăn nhạt và cắt bớt khẩu phần thì suốt ngày bị cùm chân nằm trên sàn xi măng phía chân cao, phía đầu thấp, vệ sinh tại chỗ với một chiếc bô nhỏ. Khỏe mạnh gân guốc như anh Phạm Hướng, người lãnh đạo phong trào học sinh kháng chiến của chúng tôi mà chỉ sau một tháng giam tại đây đã trở thành một người gầy nhom, hai tay buông sát người không giơ lên được, má hóp, mắt xếch nom rất ghê rợn, đó là theo lời kể trong hồi ký của anh Hùng Hậu người đã gặp anh khi anh được đưa ra khỏi ngục tối.
Mấy bạn tôi rời khỏi bầu không khí ngột ngạt, mờ ảo tại khu ngục tối để bước ra sân ngồi nghỉ trên những ghế đá cạnh cây bàng lịch sử, cây bàng đã cung cấp vitamin cho biết bao thế hệ những người tù khi đang ốm. Gần đó là hai đoạn cống có phần cửa chấn song mà những người tù đã bí mật cưa để chui qua đó trốn khỏi nhà tù trong hai cuộc vượt ngục nổi tiếng.
Tham quan cây bàng lịch sử và hai cửa cống ngầm
Mấy bạn tôi còn được xem nhiều phòng trưng bày khác về các dụng cụ sinh hoạt của người tù, mô hình toàn cảnh nhà tù. Lại có một phòng trưng bày các di tích còn lại của làng Phụ Khánh, nơi chuyên sản xuất đồ gốm nung và các bếp lò trước khi thực dân Pháp chiếm nơi này để xây dựng thành một nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương. Chúng đặt tên là Nhà tù trung ương (Maison centrale) nhưng dân ta gọi là nhà tù Hỏa Lò cũng vì nơi đây bán rất nhiều bếp lò.
Những khách nước ngoài đến tham quan và cả chúng tôi nữa đều dành một sự chú ý đặc biệt cho phòng trưng bày các hiện vật liên quan đến tù binh phi công Mỹ đã bị giam giữ tại đây. Những tranh ảnh, đồ dùng được trưng bày như nhắc lại cho chúng tôi nhớ về những ngày gian khổ trong bom đạn chiến tranh phá hoại của Mỹ và rồi thời thế đổi thay, nay nhiều tù binh phi công Mỹ đã trở thành Thượng nghị sỹ, Bộ trưởng Mỹ có nhiều hoạt động hữu nghị với Việt Nam.
Tham quan phòng trưng bày về cuộc sống, sinh hoạt của phi công Mỹ
trong Trại giam Hỏa Lò (1964 - 1973)
Buổi tham quan kết thúc với nhiều tấm ảnh kỷ niệm và đặc biệt là mỗi người đều đem về một chiếc lá của cây bàng lịch sử được các cháu trong Ban Quản lý khu di tích khéo léo biến thành một vật kỷ niệm độc đáo in hình cổng chính Hỏa Lò rồi bọc khung ni lông bảo quản lâu dài.
Ra về, ai cũng thấy đây là một địa điểm di tích cách mạng rất độc đáo ở ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội mà nay mới đi tham quan thì đúng là quá chậm.
Dương Tự Minh và các bạn lớp Đệ nhất A trường Chu Văn An
Ảnh: Tình nguyện viên Nguyễn Đức Trung