Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/06/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa cử và truyền thống yêu nước: ông nội đồng chí là Hồ Bá Ôn, đỗ Phó Bảng, làm quan đến chức Án sát tỉnh Nam Định, đã anh dũng hy sinh khi quân Pháp tấn công Thành Nam Định năm 1883; cha là Hồ Bá Kiện, một nhà Nho yêu nước đã tham gia Hội Duy Tân chống thực dân Pháp, bị địch bắt giam tại Nhà tù Lao Bảo. Tại đây, ông đã vận động anh em tù nhân và một số binh lính người Việt phá ngục, song bị địch bao vây. Sau ba ngày chiến đấu, ông đã anh dũng hy sinh.
Hoàn cảnh gia đình, quê hương, xã hội đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước, căm thù giặc trong cậu bé Hồ Bá Cự.
Tháng 4/1920, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng với Lê Hồng Sơn, Ngô Quốc Chính sang Thái Lan, rồi ba tháng sau lại sang Quảng Châu, Trung Quốc tìm gặp các nhà cách mạng xứ Nghệ đang hoạt động ở đây là Phan Bội Châu, Hồ Học Lãm nhờ tìm nơi học và nơi làm việc.
Tại Quảng Châu, đồng chí Hồ Tùng Mậu vào học trường Điện tín. Lúc đó, cuộc vận động cách mạng của người Việt ở Quảng Châu khá phân tán, tư tưởng của các nhà cách mạng không đồng nhất, mâu thuẫn nhau. Trước tình hình bất lợi, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn lập ra Tâm Tâm xã, tập hợp số thanh niên hăng hái, cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc.
Năm 1924, đồng chí Hồ Tùng Mậu về nước, trở lại Quỳnh Lưu, Yên Thành hoạt động với tên Phan Tái. Tháng 11/1924, nhóm Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ chuyển hướng hoạt động, xây dựng tổ chức cách mạng theo đường lối đúng đắn.
Tháng 6/1925, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong năm người của Cộng sản đoàn.
Tháng 12/1927, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng một số chiến sĩ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tham gia Khởi nghĩa Quảng Châu nên bị bắt giam, đến cuối năm 1929 mới được thả. Mặc dù đang bị giam giữ trong tù, đồng chí Hồ Tùng Mậu vẫn được bầu làm Uỷ viên chấp hành Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Đại hội đại biểu lần thứ I (bầu vắng mặt).
Tháng 6/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hương Cảng (Hồng Kông) bắt giam. Đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng với Trương Vân Lĩnh tìm cách liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế đỏ nhờ can thiệp và vận động Luật sư Francis Henry Loseby - một luật sư tiến bộ người Anh bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc. Chính vì thế, đồng chí bị chính quyền Hương Cảng bắt giam, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội, chúng buộc phải trả lại tự do cho đồng chí nhưng trục xuất khỏi Hương Cảng. Đồng chí là người “đồng cam cộng khổ”, “như tay với chân” và “trở thành anh em chí thiết của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được đồng bào gọi là: Cụ Hồ em”.
Ngày 30/6/1931, đồng chí Hồ Tùng Mậu bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải. Sau đó chúng giải đồng chí về Việt Nam và giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Nhà tù Hỏa Lò, nơi đồng chí Hồ Tùng Mậu bị
thực dân Pháp giam cầm
Tại Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Hồ Tùng Mậu vẫn kiên cường đấu tranh chống bọn giám ngục, phản đối chế độ lao tù hà khắc, động viên bạn tù giữ vững khí tiết cách mạng, tin ở tương lai, tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Trong những năm 1930 - 1932, tù chính trị ở Hỏa Lò chủ yếu là những người Cộng sản và Việt Nam Quốc dân Đảng. Lúc đầu, những người tù Cộng sản và Quốc dân đảng phối hợp với nhau chống thực dân Pháp. Về sau, do khác nhau về quan điểm, chủ trương làm cách mạng, những người tù Quốc dân đảng đã tách ra và đả phá những người Cộng sản. Họ thường tỏ ra tuyệt vọng, chán nản, không tin vào vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân.
Ảnh đồng chí Hồ Tùng Mậu do Mật thám Pháp chụp
Khi đó, có một nữ Đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng tên là Tâm do không chịu được cảnh tù đầy khắc nghiệt đã tự vẫn trong tù. Đồng chí Hồ Tùng Mậu làm thơ tỏ lòng thương cảm, nhưng cũng nhấn mạnh thái độ của những người Cộng sản coi trọng trách nhiệm trước vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc, trước nhiệm vụ cách mạng, phản đối lối giải thoát tiêu cực là tự sát:
“Chị Tâm ơi, chị Tâm ơi
Đời chị như nay đã thế rồi
Đã được nhẹ nhàng thân phận chị,
Riêng phần cách mạng trút cho ai?”
Bài thơ của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã tỏ rõ khí tiết của một người cộng sản chân chính, luôn có tinh thần lạc quan, tình đồng chí, tính trách nhiệm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không tỏ ra yếu đuối, nhu nhược trước kẻ thù.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo: Sách “Hồ Tùng Mậu tiểu sử”, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2016.