Cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam vẫn còn đó nhiều câu chuyện chưa được kể, đặc biệt là chuyện về những phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò. Cuộc sống của những vị khách đặc biệt, đến từ một cường quốc lớn mạnh nhất thế giới diễn ra như thế nào trong Trại giam Hỏa Lò vẫn luôn là đề tài hấp dẫn với công chúng. Câu chuyện đó, sẽ được kể qua các cán bộ đã từng công tác trong những trại giam phi công Mỹ ở Hà Nội (1964-1973).
Ngày 12/9/2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò được đón tiếp ông Vũ Đức Bình, nguyên cán bộ quản giáo công tác tại trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò (1971-1973). Từ Thành phố Thái Bình đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò là quãng đường dài hơn 100 km, nhưng trên khuôn mặt ông luôn hiện lên vẻ nhiệt huyết và sẵn sàng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảm động về công tác quản lý tù binh và cuộc sống của những phi công Mỹ tại “Hilton Hà Nội”.
Ông Vũ Đức Bình và cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Công việc thường ngày của một quản giáo trong trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò là gặp gỡ, tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở việc thực hiện nội quy, quy định, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phi công Mỹ để đề đạt với Ban chỉ huy trại. Mỗi khi Trại giam Hỏa Lò tiếp nhận thêm phi công Mỹ, ông Vũ Đức Bình có nhiệm vụ liên hệ với các tổ chức hữu quan, tiến hành khai thác những thông tin cần thiết như: kế hoạch, mục tiêu ném bom trong phi vụ bay của cá nhân phi công Mỹ đó, kế hoạch tiếp theo của Mỹ ở Bắc Việt Nam. Đó là những thông tin quan trọng, góp phần giảm bớt đáng kể thiệt hại về người và của do quân đội Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam.
Ông đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động về Đại tá Không quân Norman Carl Gaddis. Chúng tôi như bị cuốn theo dòng cảm xúc của ông khi nghe ông kể về “vị khách đặc biệt” này.
Máy bay MiG-17 do phi công Ngô Đức Mai điều khiển đã bắn hạ
“Chuyên gia diệt MIG” Norman Carl Gaddis (Ảnh: Bích Ngọc)
“Trong trí nhớ của tôi, Đại tá Không quân Norman Carl Gaddis có tác phong khá lịch sự và rất trí thức. Mỗi buổi sáng ra ngoài thì tự tay cầm chổi quét sân, khu trại giam của ông lúc nào cũng sạch sẽ. Nhiều lần ông ấy nhảy xuống hố cá nhân tránh bom của tôi, dọn sạch từng cái rác và nói với tôi là nếu có chiến sự thì ông xuống đây và đậy nắp lại cho an toàn. Một lần tôi thông báo cho ông ấy đến nhận thư từ Mỹ gửi sang, ông ấy lập tức về phòng mặc quần, áo gọn gàng, chải đầu mượt rồi đến trước tôi, giơ hai tay đón thư. Đọc xong ông ta ngồi lặng một lúc với vẻ mặt rất buồn. Tôi động viên ông ấy rằng hãy giữ sức chờ chiến tranh kết thúc rồi về với gia đình. Ông ta cảm ơn nhiều lần và tỏ ý đồng tình với câu nói của tôi”.
Đại tá Không quân Norman Carl Gaddis, “Chuyên gia diệt MIG” trước khi bị bắt
Đại tá Không quân Norman Carl Gaddis đã chỉ huy một tốp 20 máy bay tấn công các mục tiêu ở Hà Nội và ông ta thực hiện mục tiêu chỉ huy đánh chặn máy bay MIG của Việt Nam từ phía Bắc Hà Nội. Nhưng chính ông ta lại bị MIG bắn hạ, cả tốp máy bay Mỹ bị bắn rơi 2 cái, phải trút hết bom cho đỡ nặng rồi nhanh chóng trở về căn cứ. Người bắn rơi máy bay của Norman Carl Gaddis tên là Ngô Đức Mai, một phi công trẻ đã bắn rơi tới 4 máy bay Mỹ bởi máy bay MIG 17.
Ở Trại giam Hỏa Lò, ông Vũ Đức Bình được giao nhiệm vụ quản lý 4 Đại tá phi công Mỹ, trong đó có Norman Carl Gaddis. Là một cán bộ quản giáo tận tâm, nhiệt huyết với công việc và luôn quan tâm giúp đỡ, thấu hiểu tâm lý của từng phi công Mỹ nên ông Vũ Đức Bình nhận được nhiều thiện cảm từ họ. Chính vì vậy, ông đã được Norman Carl Gaddis tặng cuốn sách A New York Times Book, đây là cuốn sách dạy cách chơi cờ tướng được xuất bản tại Mỹ.
Sách A New York Times Book, Norman Carl Gaddis tặng ông Vũ Đức Bình
Qua câu chuyện của ông Vũ Đức Bình, tôi chợt nhận ra chiến tranh không chỉ là những câu chuyện về mất mát, chia ly mà ẩn sau đó còn là tình cảm từ hai phía. Giống như ông Vũ Đức Bình từng nói với tôi: “Họ đánh nhau khi không hiểu nhau, khi hiểu nhau rồi họ trở thành bạn bè”. Những câu chuyện đó được kể từ những người từng làm công tác quản lý phi công Mỹ (1964-1973), sẽ được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục giới thiệu tới nhiều du khách trong và ngoài nước với một mong muốn giúp họ hiểu nhân dân Việt Nam luôn muốn làm bạn với tất cả dân tộc trên thế giới, ngay cả với những quốc gia đã từng gây ra chiến tranh trên đất nước Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm