Tin tức– Sự kiện
20/12/2017 19:03 20/12/2017 19:03 3055
Phó Đức Chính với trường học cách mạng - Nhà tù Hỏa Lò (phần 1)
Gần một thế kỷ đã trôi qua, tinh thần quả cảm, khí phách của các nhà lãnh đạo trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái trong đó có Phó Đức Chính vẫn vang vọng, ngời sáng trong lịch sử của dân tộc. Gương hi sinh lẫm liệt họ đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến), huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là nơi mà năm 1907 Phó Đức Chính cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình Nho học. Ngay từ nhỏ, Phó Đức Chính chịu ảnh hưởng đạo đức của cha mình - Cụ Phó Duy Chân, luôn chú ý dạy các con lễ phép để các con phân biệt phải trái, truyền dạy ý chí, bản lĩnh của những người hướng thiện. Ông được gia đình cho học vỡ lòng chữ Hán, rồi học trường kiêm bị huyện nhà, sau đó lên Hà Nội học trung học tại trường Bưởi. Năm 1925, Phó Đức Chính thi đỗ vào trường Cao đẳng Công chính Hà Nội thuộc Trường đại học Đông Dương. 
 
Cổng làng Đa Ngưu, quê hương của danh nhân Phó Đức Chính (ảnh chụp năm 1950)
 
Được học ở Hà Nội, Phó Đức Chính càng thấu hiểu rõ sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Phong trào yêu nước của nhân dân diễn ra liên tục, trong phong trào đó đã xuất hiện những tổ chức yêu nước cách mạng.
Việt Nam Nghĩa đoàn, tổ chức yêu nước do một nhóm sinh viên Cao đẳng sư phạm Hà Nội, trong đó có Tôn Quang Phiệt, Phạm Thiều…thành lập vào đầu năm 1925. Trụ sở bí mật của nhóm đặt tại hẻm số 4 đường Gioreghiberi (Jauréguibery) phố Quang Trung hiện nay; cuối năm 1926 tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập. Chịu ảnh hưởng của những tổ chức cách mạng đó, đầu năm 1927 Nam Đồng thư xã - Một nhà xuất bản do Phạm Tuấn Tài lập ra đã thu hút nhiều học sinh, sinh viên trí thức yêu nước trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Nhóm Nam Đồng thư xã là hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Quốc dân Đảng.
 
 
Những thành viên tham gia thành lập nhóm Nam Đồng thư xã,
tiền thân của Việt Nam Quốc dân Đảng sau này
 
Với lòng yêu nước nồng nàn, Phó Đức Chính sớm trở thành một trong những người thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng vào đêm 24/12/1927 tại Nam Đồng thư xã, ông là một trong năm thành viên lãnh đạo của Tổng bộ, phụ trách tổ chức. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính (1928) ông được bổ nhiệm làm Tham tán Công chính ở Savanakhet (Lào). Với mức lương hậu đãi, cuộc sống dư dật, song ông không hề từ bỏ tư tưởng cứu nước, tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân các hình thức chống Pháp. Tại kỳ bầu Tổng bộ lần thứ III Việt Nam Quốc dân Đảng (12/1928), Phó Đức Chính được bầu làm chủ tịch Ủy ban Lập pháp và Giám sát.
Đêm 9/2/1929, ám sát Ba danh (Bazin) chủ mộ phu tại chợ Hôm, Hà Nội. Tháng 9/1929, giết tên phản động Nguyễn Văn Kinh tại vườn hoa Bách Thảo. Sau những vụ đó, thực dân Pháp mở nhiều đợt khủng bố, hàng loạt cơ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng bị vỡ. Do có kẻ khai báo nên Phó Đức Chính bị bắt giải về nước, không có bằng chứng gì, kẻ địch vẫn kết án tù treo và bãi chức ông. Với lòng nhiệt tình và chí căm thù thực dân Pháp, ông tiếp tục hoạt động cách mạng cho dù kẻ địch tăng cường khủng bố dữ dội Việt Nam Quốc dân Đảng. Việc phục hồi tổ chức, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa đang trên đà phát triển thì ngay trong nội bộ đảng có sự phản bội của số ít đảng viên dẫn đến nhiều yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng sa vào lưới giặc. Trong hoàn cảnh đó đã đẩy Việt Nam Quốc dân Đảng đến cuộc bạo động non.
 
Lược đồ Khởi nghĩa Yên Bái, tháng 2/1930
 
Đêm 10/2/1930, cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân Đảng nổ ra ở Yên Bái trong tình thế bất lợi đã bị thực dân Pháp nhanh chóng dập tắt, Phó Đức Chính và một số đồng chí về Sơn Tây chuẩn bị đánh đồn Thông, song chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng: vũ khí thiếu, lực lượng yếu đã thất bại. Thực dân Pháp vây ráp, truy lùng, chiều ngày 15/2/1930, Phó Đức Chính cùng cai Tân, Nguyễn Văn Khôi đang bàn việc tại nhà Quản Thanh ở làng Nam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây thì bị bắt. Các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng cùng nhiều chiến sỹ yêu nước cũng lần lượt bị thực dân Pháp vây bắt.
(còn tiếp) 
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông

Chia sẻ: