Hỏa Lò - địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, nơi thực dân Pháp từng khẳng định là nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương, tù nhân không thể trốn thoát bằng bất kỳ hình thức nào. Ngược thời gian 85 năm về trước - cuộc vượt ngục đêm Noel năm 1932 của bảy tù chính trị Hỏa Lò đã minh chứng và gióng lên một hồi chuông thức tỉnh: Chẳng có gông cùm xiềng xích nào có thể chiến thắng những trái tim quả cảm, quyết vượt ngục tìm đường về tiếp tục chiến đấu.
Cuối năm 1932, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam được khôi phục và phát triển mạnh. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, bắt bớ những người cộng sản. Tại Nhà tù Hỏa Lò, có rất nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị giam cầm. Trước tình hình đó, Chi bộ Đảng nhà tù đã lên kế hoạch, tổ chức cho một số cán bộ cốt cán, vượt ngục để tiếp tục chỉ huy phong trào đấu tranh bên ngoài. Những người tù cộng sản gồm: Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Nguyễn Tuấn Thức... đã bí mật họp bàn, quyết định táo bạo tổ chức vượt ngục bằng cách mà kẻ thù không thể tưởng tượng được.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - 1 trong 7 người tù tham gia vượt ngục năm 1932
Theo kế hoạch ban đầu, nhóm tham gia vượt ngục gồm 10 tù nhân, nhưng tình hình có sự thay đổi nên các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Hiền và Nguyễn Tuấn Thức đã không thể tham gia.
Bảy tù nhân còn lại mỗi người đã tự tạo cho mình một căn bệnh để xin Chúa ngục được ra ngoài chữa bệnh. Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn liên tục ho, khạc ra đờm lẫn máu và khai bị mắc bệnh ho lao. Đồng chí Nguyễn Tạo giả nằm im, nín thở để nhịp tim không đều, giả mắc bệnh suy tim cấp. Đồng chí Hào Lịch thì tự làm cho mình bị mắc nhiều vết thương lở loét trên cơ thể. Đồng chí Lê Đình Tuyển đập phá, la hét, giả mắc bệnh loạn thần kinh. Táo bạo hơn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương đã tự làm bị thương ở cổ để được đưa đi cấp cứu. Bằng sự mưu trí, cả 7 đồng chí đã qua mắt kẻ địch và được cấp phép cho ra nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức) chữa bệnh.
Nhà thương Phủ Doãn
Tại nhà thương, mặc cho lính canh phòng nghiêm ngặt nhưng các đồng chí vẫn lợi dụng sơ hở để cưa được song sắt cửa sổ buồng bệnh. Đêm Noel (24/12/1932), giữa lúc chuông Nhà thờ ở Hà Nội đổ hồi chuông báo hiệu buổi Thánh lễ bắt đầu, cũng là lúc các đồng chí đã hoàn thành việc cưa song sắt, vượt qua hàng rào dây thép gai, thoát ra ngoài, hòa vào dòng người đi lễ trốn thoát.
Tin 7 tù nhân vượt ngục đã làm cho địch tức giận, chúng ra lệnh tìm kiếm, vây bắt, dán thông báo, đưa ảnh, đăng tin trên báo truy nã khắp nơi. Do chưa có kinh nghiệm, sau khi trốn thoát, các đồng chí quay trở lại gia đình hoặc địa điểm trước đó tham gia hoạt động nên bị phục kích, bắt giam trở lại. Riêng chỉ có đồng chí Nguyễn Lương Bằng vì có nhiều kinh nghiệm hoạt động nên đã về ấp Dọn (Hải Dương) sống cùng quần chúng nhân dân, tiếp tục hoạt động bí mật và tìm cách bắt liên lạc với tổ chức.
Và thật trùng lặp, sau đó gần hai thập kỷ, cũng vào đêm Noel năm 1951, 16 tù chính trị bị kết án tử hình và chung thân ở Hỏa Lò đã tìm cách vượt ngục bằng cách “độn thổ” cưa song sắt, chui qua cửa cống ngầm. Dù chỉ có 5 tử tù trốn thoát, nhưng cuộc vượt ngục đã tạo nên một tiếng vang lớn, khẳng định sự sáng tạo và khát vọng không mệt mỏi, tìm về tự do, tiếp tục chiến đấu , phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Cửa cống ngầm với những song sắt bị cưa đứt
Tổ chức vượt ngục là hình thức đấu tranh cao nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất của tù chính trị. Vượt ngục thoát khỏi nhà tù thực dân, để viết tiếp ước mơ hòa bình cho Tổ quốc đã được những chiến sĩ quả cảm thực hiện. Cho tới hôm nay, những khoảnh khắc vượt ngục táo bạo đêm Chúa giáng sinh và câu chuyện liên quan đến các nhân vật tham gia cuộc vượt ngục kỳ diệu ngày đó, vẫn luôn là bài học quý báu về tinh thần quả cảm, ý chí vươn lên trong gian khó để mọi thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.
Phạm Thị Hoàng My - Phòng Hành chính Tổng hợp