Năm 2018, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị Nhà lao Hỏa Lò đã thiếu vắng đi hai cây đại thụ: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, sinh năm 1917, từ trần vào ngày 01/10/2018 và sau đó hơn 2 tháng, ngày 07/12/2018 lại một cây đại thụ nữa ra đi, đó chính là Ông Nguyễn Văn Trân, sinh năm 1917, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Điều đặc biệt là hai ông đều từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà lao Hỏa Lò, giai đoạn 1940 - 1945.
Ông Nguyễn Văn Trân sinh năm 1917 tại làng Quan Đình, xã Văn Môn, tổng Mẫn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hai cụ thân sinh ra ông tuy nghèo nhưng vẫn cố gắng nuôi các con ăn học, trong số những người anh em của mình, Ông là người được học hành đến nơi, đến chốn. Năm 1931, ông được gia đình gửi ra Hà Nội học nghề in; bắt đầu bằng việc sắp chữ cho báo Đông phương thực nghiệp do nhà báo Nhượng Tống làm chủ bút, tòa soạn ở phố Hàng Bông.
Lãnh đạo Thành phố chúc thọ nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân
Nhớ về những ngày tháng ấy, ký ức trong Ông cứ dội về: “Chỉ là cái chân học việc nhưng mỗi ngày tôi phải làm từ 10 đến 12h. Mấy tháng học nghề tôi không được trả lương, chỉ làm chân loong toong sai vặt cho các anh lớn tuổi hơn và mỗi tháng ông chủ cho lĩnh 5 xu; đến tháng thứ 6, tôi được lĩnh 3 hào tiền Đông Dương, bằng tiền lương công nhật trung bình của công nhân hàng tháng. Số lương còm ấy, cũng tàm tạm trang trải cho bữa ăn hàng ngày”.
Ông Nguyễn Văn Trân phát biểu tại lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Năm 1936, Ông Nguyễn Văn Trân được tham gia lớp huấn luyện cách mạng do đồng chí Trường Chinh trực tiếp giảng dạy. Ngay sau đó, Ông được các đồng chí cách mạng tiền bối giới thiệu và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1937, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy kiêm Bí thư Thành ủy Lương Khánh Thiện, Ông Trân là một trong 7 người của Ban đại biểu Liên đoàn Lao động lên gặp Thống sứ Châtel đưa yêu sách đòi “Tự do tổ chức nghiệp đoàn”. Châtel chỉ cho lập Hội Ái hữu, nên sau đó, các nhà máy, các ngành đều tổ chức Hội Ái hữu, trong đó có ngành In để đấu tranh đòi quyền lợi của người lao động.
Nhà Đấu xảo, nơi diễn ra cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội vào ngày 01/5/1938
Nghiệp đoàn thợ in Hà Nội tham gia cuộc mít tinh kỷ niệm ngày quốc tế lao động
tại khu vực Đấu xảo ngày 01/5/1938 (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị)
Nhân Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1938, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông tổ chức anh em ngành in đi biểu tình, đòi quyền lợi của công nhân.
Năm 1938, cơ quan lãnh đạo Thành ủy Hà Nội kiện toàn, ông Trần Quý Kiên (tức Đinh Xuân Nhạ) làm Bí thư Thành ủy thay ông Lương Khánh Thiện chuyển công tác khác; ông Nguyễn Văn Trân và Văn Tiến Dũng được chỉ định bổ sung vào Thành ủy. Vậy là từ một người thợ in, Ông Nguyễn Văn Trân đã trở thành một đảng viên cộng sản.
Tháng 9/1939, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định ra báo bí mật, đặt tên báo là Giải Phóng, do đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy phụ trách. Báo in litô trên đá, một tháng ra một số, 4 trang, phát hành bí mật 500 bản. Sau một thời gian in báo tại cơ sở ở Cổ Loa, bị thực dân Pháp phát hiện, cơ sở in báo chuyển đến làn Vạn Phúc, rồi lại chuyển đến làng Ngọc Trục, xã Đại Mỗ (nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Vì đã từng làm nghề in, ông Trân được tổ chức đưa ra cùng ông Lê Viên bí mật in báo Giải Phóng. Chỉ in được ba số, cơ sở in ấn lại bị lộ do có người trong làng đi báo với địch. Ngay lập tức, hai ông bị bắt cùng với các tang chứng là bàn đá và một số báo Giải Phóng. Cả hai ông bị giải về giam ở nhà tù Hà Đông tra khảo; sau đó đưa ra Sở Mật thám Hà Nội tiếp tục lấy cung, tra tấn, rồi sau đó đưa về giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, Ông bị tách ra giam riêng, nhưng với tinh thần trách nhiệm, ông vẫn tìm mọi cách để tham gia các phong trào đấu tranh của anh em tù nhân tại Nhà tù Hỏa Lò như: phản đối chế độ giam giữ hà khắc, ăn uống kham khổ; yêu cầu nhà tù thực dân thực hiện đúng quy định đối với tù chính trị… chính vì lẽ đó, ông luôn được anh em tù nhân tin yêu, kính trọng.Khoảng tháng 5/1940, thực dân Pháp xét xử, kết án Ông Nguyễn Văn Trân 10 năm tù khổ sai, sau đó bị đưa lên nhà tù Sơn La tháng 7/1940. Tại đây, Ông lại tích cực hoạt động, tham gia vào các tổ chức của anh em tù chính trị, sau những lần đi làm lao dịch ở bên ngoài, ông đã bắt liên lạc với một số thanh niên người Thái có tư tưởng tiến bộ, nhờ họ giúp đỡ khi cần thiết.Lúc này, phong trào cách mạng bên ngoài đang lên cao, thiếu cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, chính vì vậy ngày 3-8-1943, chi bộ nhà tù Sơn La tổ chức cho ông và ba đồng chí là: Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), Nguyễn Tuấn Đáng (tức Trần Đăng Ninh), Lưu Đức Hiểu vượt ngục. Sau khi thoát khỏi nhà tù Sơn La, ông tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến khi cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, ông được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội ngay trong những ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến, lại một lần nữa, ông tiếp tục cùng nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước bước vào một cuộc cách mạng mới, trường kỳ và gian khổ. Lịch sử cách mạng Thủ đô Hà Nội đã gắn với tên tuổi Ông Nguyễn Văn Trân ngay từ những ngày đầu tiên ấy.Ngày 07/12/2018, trái tim Ông đã ngừng đập khi chuẩn bị bước sang tuổi 102 với hơn 80 tuổi Đảng trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, đồng đội, đồng chí.Ths. Nguyễn Thị Khánh Hồng
Tài liệu tham khảo và nguồn trích dẫn: 1. Đề tài khoa học của Viện Lịch sử Đảng, mã số 06 do PTS Trịnh Mưu chủ biên: Sự kiện lịch sử hoạt động của các Xứ ủy trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945).2. Hồi ký của ông Đào Duy Kỳ, lưu tại Ban Tuyên giáo Trung ương, viết về việc in litô báo Giải Phóng, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ Hoàng Văn Thụ, do bị địch đánh phá nên chuyển từ Cổ Loa sang làng Ngọc Trục, Đại Mỗ.3. Hồi ký Cách mạng và cuộc đời tôi, NXB Hà Nội, H. 2011, tr 58, ông Nguyễn Văn Trân có viết tên báo ông in ở làng Ngọc Trục và bị địch bắt là Cờ Giải Phóng; 4. Câu chuyện của người thợ in báo Nguyễn Văn Trân trước ngày cách mạng thành công - Th.s Phạm Kim Thanh - Bảo tàng lịch sử Quốc gia.