Tin tức– Sự kiện
16/12/2018 11:15 16/12/2018 11:15 1591
Hoả Lò - Nơi gửi gắm thông điệp hoà bình
“Quãng thời gian từng là tù binh chiến tranh tại Việt Nam mãi mãi là ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời của tôi. Cuộc chiến vô nghĩa và đầy đau thương này đã khiến chúng ta bỏ lỡ quá nhiều điều tốt đẹp. Đến đây với nhiều cảm xúc, tôi mong sự tự do sẽ được lan toả trên toàn thế giới”. Đó chính là chia sẻ của cựu tù binh Mỹ John W.Clack khi trở lại Nhà tù Hoả Lò cùng đoàn học sinh trường Cao đẳng St. Olaf (Northfield, Minnesota, Hoa Kỳ).
 
 
 
 
Phi công John W. Clark
 
John Clark sinh năm 1940 tại Columbia, Missouri, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Huấn luyện Phi công vào tháng 8/1963, John Clark tiếp tục tham gia khóa đào tạo Huấn luyện phi hành đoàn chiến đấu RF-4C Phantom II từ tháng 6/1965 đến tháng 10/1966 và chiến đấu tại Đông Nam Á. 
Ngày 12/3/1967 khi đang thực hiện nhiệm vụ bắn phá miền Bắc Việt Nam, máy bay của phi công John Clark bị bắt rơi và ông bị giam giữ hơn 6 năm tại các trại giam ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/01/1973, chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành trao trả nhân viên quân sự, thường dân nước ngoài và nhân viên dân sự bị hai bên giam giữ. Ngày 18/02/1973, John Clack cùng nhiều phi công Mỹ khác được trao trả tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội.  
 
 
Tù binh Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) năm 1973
 
Ông John Clack kể lại: Trong thời gian tham chiến, ông đã thực hiện hơn 60 nhiệm vụ trên không phận miền Bắc Việt Nam trước khi bị bắt giữ làm tù binh. Trong thời gian gần 6 năm bị giam giữ, ông đã mắc bệnh sốt rét nặng và được người dân chăm sóc tận tình. Khi đó, ông không thể tin rằng sẽ có ngày mình được trở về quê hương.
 
 
Cựu binh John Clark giới thiệu về kiến trúc Nhà tù Hoả Lò
Nhà tù Hoả Lò là nơi cựu binh John Clark bị tạm giam vài tháng trước khi di chuyển sang nhà tù khác. Trong chuyến tham quan trở lại nơi đã từng sống, cựu binh John đã chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động tới các sinh viên trường St. Olaf về chế độ đối xử nhân đạo của nhân dân Việt Nam. Thông qua đó ông muốn lan toả rộng hơn thông điệp hoà bình tới thế hệ trẻ của nước Mỹ.
 
 
Cựu binh John Clark và sinh viên trường St. Olaf (Hoa Kì)
 
Chuyến tham quan kết thúc tại nơi đã từng là “Khách sạn vỡ tim” hay “Hilton Hà Nội” bằng những nụ cười nồng ấm. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, có người đã trở về, có người đã ra đi mãi mãi. Dấu tích về chiến tranh, các hiện vật lịch sử đang được lưu tại Di tích Lịch sử Nhà tù Hoả Lò sẽ giúp “kể lại” cho du khách về những câu chuyện thời chiến để họ hiểu và trân trọng hơn giá trị của hoà bình hôm nay.
Ngô Thị Hồng Nhung
Phòng Giáo dục - Truyền thông

Chia sẻ: