Vào khoảng năm 1900 đến 1902, trong vườn đình An Trí (thôn Yên Phụ, nay thuộc phường Trúc Bạch), thực dân Pháp cho xây dựng một trường Thông ngôn (trường đào tạo người phiên dịch) tên Pháp là Nordemann. Sau này trường Thông ngôn giải thể, nhường chỗ cho các học trò tiểu học nên có tên là trường Yên Phụ, do một người Pháp làm hiệu trưởng. Nay là trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi, tên một vị “Lưỡng quốc trạng nguyên” đời Trần.
Trường được xây trên khu đất rộng, thoáng, xung quanh có tường bao, phía trước có 2 cổng dẫn vào sân trường với những hàng cây lưu niên rợp mát. Ngôi nhà chính do Pháp xây dựng trước kia nay là nơi học tập của học sinh.
Phát huy truyền thống yêu nước của thanh niên, từ những năm 1929-1931, trường Yên Phụ có nhiều học sinh tham gia cách mạng. Tại đây, một trong những cơ sở đầu tiên của Đoàn thanh niên cộng sản thành phố Hà Nội đã được thành lập đó chính là Chi đoàn thanh niên cộng sản trường Yên Phụ. Ngày 4/1/1931, bảy thanh niên ưu tú đã khai hội bí mật tại nhà một giáo viên trường Yên Phụ để làm lễ tổ chức thành lập Đoàn thanh niên cộng sản. Đồng chí Lã Phạm Thái lúc này là cán bộ Thành ủy phụ trách thanh niên chủ trì cuộc họp và chính thức công nhận tổ chức thanh niên cộng sản này.
Tấm bằng Tổ quốc ghi công và ảnh liệt sỹ Nguyễn Hoàng Tôn
Trong số 7 thanh niên tham gia có đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn, tên thật là Phạm Hữu Mẫn, sinh năm 1914 tại làng Trích Sài (Bưởi), Hà Nội. Tham gia cách mạng từ khi tuổi còn nhỏ nhưng sự gan dạ, lòng dũng cảm của cậu học trò đã được tổ chức tin cậy giao nhiều nhiệm vụ: làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy và tham gia diễn thuyết, rải truyền đơn, bảo vệ vận chuyển vũ khí, cảnh báo những tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Ngày 20/4/1931, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn bị địch bắt và kết án tử hình. Bị giam trong xà lim tử hình nhà tù Hỏa Lò nhưng không để thời gian còn lại trôi qua một cách vô ích, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn đã dành thời gian tạo ra những sản phẩm lưu niệm như: vẽ con khỉ, con chó trên những cái thìa làm từ vỏ quả dừa để đổi lấy thuốc lá cho anh em tù nhân. Ngày 17/10/1931, thực dân Pháp đã kết án tử hình đồng chí. Trước khi lên máy chém, đồng chí còn hô to các khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm – Liên bang Xô Viết muôn năm – Chào các đồng chí ở lại phấn đấu”.
Hàng năm cứ đến ngày 4 tháng 1, trường trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi lại làm lễ kỷ niệm ngày thành lập chi đoàn trường và mời các cán bộ lão thành cách mạng đến dự. Đây là dịp giao lưu, sinh hoạt văn hóa bổ ích nhằm giáo dục cho thế hệ các em học sinh tinh thần yêu nước và sự tri ân đối với các thế hệ cách mạng tiền bối. Trường trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi đã được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến.
Các bạn học sinh tự hào bên tấm biển di tích cách mạng kháng chiến được dựng trong khuôn viên sân trường
Với bề dày truyền thống đáng tự hào, trường trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi số 66 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội luôn rộn rã những thanh âm tươi vui, những lời giảng bài trầm bổng.
Chuyện kể ngày nay thủ đô nọ
Bên hồ xanh - Trúc Bạch hiền hòa,
Một ngôi trường thân thương, đầm ấm quá.
Dang rộng vòng tay đón tôi vào.
Ơi! Thế giới của bao điều kỳ lạ.
Phấn trắng, bảng xanh, hoa thắm tươi.
Và cả kia nữa, bầy chim nhỏ,
Ríu rít đùa chơi gió mát lành.
Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục - Truyền thông